Image
Loading

Với dân số hơn 411.000 người (2009), Giarai là dân tộc đông nhất trong 5 dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Đảo ở Việt Nam, cũng đông nhất trong các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên. Dân tộc Giarai có các nhóm địa phương như: Hdrung, Aráp, Chor, Mthur và Tơbuăn. Họ phân bố chủ yếu ở tỉnh Gia Lai, một bộ phận ở Kon Tum, Đắk Lắk và miền núi tỉnh Khánh Hoà. Ở Campuchia cũng có người Giarai, sinh sống tiếp giáp với vùng người Giarai ở Việt Nam.

Người Giarai ở nhà sàn, cửa chính của ngôi nhà mở về hướng bắc như phong tục của người Êđê láng giềng. Trừ hai nhóm Chor và Mthur, còn ở các nhóm khác đều có tập quán làm nhà rông (nhà cộng đồng của làng). Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc trang trí Giarai thể hiện tập trung ở nhà rông và nhà mồ.

Phần lớn người Giarai cư trú trên địa hình tương đối bằng phẳng của cao nguyên và thung lũng, nên cùng với rẫy, từ lâu ở đây đã có hình thức ruộng chờ mưa. Khi gieo trỉa trên rẫy, mỗi người dùng 2 chiếc gậy - mỗi tay cầm một gậy -  chọc lỗ để tra hạt giống. Nghề thủ công truyền thống nổi bật là dệt vải và đan lát. Sản phẩm dệt của phụ nữ cung cấp đồ vải cho gia đình, ngoài ra để trao đổi hàng hoá. Việc đan lát của đàn ông là chính, tạo ra nhiều vật dụng thiết thực, đặc biệt là những chiếc gùi có kiểu dáng riêng của người Giarai. Ngày nay, ở vùng người Giarai, việc canh tác lúa nước đã được mở mang, các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu... rất phát triển.

Xã hội truyền thống Giarai đề cao vai trò của dòng họ tính theo mẫu hệ (dòng mẹ), coi trọng gia đình mẫu hệ và nếp sống cộng đồng làng, tất cả được chi phối bởi luật tục. Mấy trăm năm trước, ở vùng Giarai tồn tại một hình thức tổ chức xã hội tiền nhà nước, chủ yếu mang tính thần quyền, được gọi là "vua Lửa" (pơtao Pui, Hoả xá) và "vua Nước" (pơtao Ia, Thuỷ xá).

Theo nếp cổ truyền Giarai, trong đời sống của họ có hàng loạt lễ tục dựa trên tín ngưỡng vạn vật hữu linh, đó là các lễ tục trong nông nghiệp, trong chu kỳ đời người... Nổi bật nhất là lễ bỏ mả (lễ đoạn tang), bởi với người Giarai, đây là lễ hội lớn nhất, tốn kém nhất, đông người tham dự nhất; trong đó thể hiện tổng hợp những yếu tố đặc sắc của nền văn hóa Giarai,

Trong di sản nổi tiếng nhất của Tây Nguyên là văn hoá cồng chiêng và sử thi, có sự đóng góp đáng kể của người Giarai. Âm nhạc cồng chiêng rất quan trọng đối với họ, được coi như phương tiện giao tiếp giữa thần linh với con người, cho nên luôn là một phần hữu cơ của những lễ trọng, nhất là lễ bỏ mả. Đặc biệt, mỗi bộ chingaráp gồm tới hơn 20 chiếc cồng và chiêng. Nhiều sử thi được người Giarai lưu giữ, như: Xing Nhã, Đam Di... Đó là những di sản cực kỳ quý giá, gắn liền với sinh hoạt hát kể sử thi rất hấp dẫn tại các cộng đồng dân làng trong xã hội truyền thống.  

Tại trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật Giarai, nhất là các loại nhạc cụ và tượng mồ, được giới thiệu cùng với hiện vật của 3 dân tộc khác trong không gian "Nam Đảo miền núi", ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng". Các bức ảnh thực địa và một phim dân tộc học về lễ bỏ mả cung cấp những hình ảnh sống động. Một nhà mồ (tỷ lệ 1:1), với nhiều trang trí đặc sắc ở mái và một loạt tượng gỗ tạc theo phong cách và kỹ thuật truyền thống, được chính những người Giarai Aráp (đến từ Gia Lai) tạo dựng trong Vườn Kiến trúc (trưng bày ngoài trời) của Bảo tàng từ năm 1998. Tất cả các thông tin trong trưng bày đều được thể hiện bằng 3 ngôn ngữ (Việt, Pháp, Anh).