Thuộc ngữ hệ Thái – Kađai, ngôn ngữ Kađai được coi như một gạch nối giữa ngôn ngữ Thái và ngôn ngữ Nam Đảo. Trong các cư dân ngôn ngữ Kađai, đông nhất là người Lê ở đảo Hải Nam (Trung Quốc), còn lại là các tộc người dân số ít, như: Kelao, Mulao, La Chí, Pu Péo, La Ha, phần đông sinh sống ở vùng biên giới Việt - Trung. Tiếng Bê ở đảo Hải Nam và tiếng Sek ở Trung Lào cũng thường được xếp vào nhóm ngôn ngữ này.
Ở Việt Nam có 4 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Kađai: La Chí, La Ha, Cờ Lao và Pu Péo, với tổng dân số gần 25.000 người (2009). Địa bàn cư trú chủ yếu của họ là những vùng núi cao gần biên giới phía bắc, trong các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai và Hà Giang.
Tuỳ địa phương, các cư dân nhóm Kađai làm nương bằng cách phát, đốt, chọc lỗ tra hạt, hoặc làm ruộng bậc thang, nương cày hay thổ canh hốc đá. Họ trồng ngô, lúa, những cây có củ, bầu, bí, cây thuốc...
Kiểu nhà của các dân tộc này đa dạng: nhà sàn (La Ha), nhà trệt (Cờ Lao, Pu Péo) hay nửa sàn nửa trệt (La Chí). Tùy theo nhóm địa phương, y phục có màu đen hay xanh lam do nhuộm chàm, hoặc có màu sặc sỡ do ghép vải tạo thành. Lương thực chính của họ là gạo tẻ, gạo nếp hay ngô, tùy điều kiện canh tác ở địa phương. Các tộc người đều có tập tục thờ cúng tổ tiên. Nếp sinh hoạt của họ chịu nhiều ảnh hưởng của những tộc người láng giềng có dân số đông hơn như Tày, Nùng, Hmông, Thái. Đặc biệt, người La Ha đã tiếp thu đậm nét về cả văn hóa và ngôn ngữ của người Thái.
Trưng bày về các dân tộc ngôn ngữ Kađai được thực hiện ở tầng 2 của tòa “Trống đồng”. Văn hóa và cuộc sống của họ thể hiện thông qua các hiện vật thường ngày, công cụ thủ công, ảnh thực địa... Các thông tin về hiện vật và bài viết đều được thể hiện bằng 3 ngôn ngữ: Việt, Pháp và Anh. Ngoài ra còn có phim video về lễ hội "dâng hoa măng" của người La Ha.