Sau hơn 40 ngày sửa chữa (từ ngày 26 tháng 11 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024), ngôi nhà Chăm truyền thống tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã khoác lên mình diện mạo mới, ghi dấu một hành trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của người Chăm. Trong suốt quá trình sửa chữa, những người thợ từ làng Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận) đã thực hiện những công việc quan trọng: sửa chữa và lợp lại mái các ngôi nhà Thang Tôn, Thang Mưyâu, Thang Yơ; thay ngói và lợp mới mái nhà Thang Lâm, nhà bếp; dựng lại nhà để cối giã gạo và làm mới điểm hỏa (máng nước); sửa chữa khung dệt và khung móc sợi.
Hành trình này không chỉ đơn thuần là việc sửa nhà mà còn bao hàm câu chuyện văn hóa thông qua việc truyền dạy tri thức dân gian. Ông Trượng Đến (67 tuổi) chia sẻ: “Ở đây tôi thấy như đang sống trong ngôi nhà của ông bà mình ngày trước. Tôi không muốn về, vì nơi này quá thân thuộc. Tôi rất vui vì qua lần sửa chữa này, tôi đã truyền dạy cho thế hệ trẻ cách sửa nhà truyền thống. Nếu được giới thiệu cho khách tham quan về hiện vật trong ngôi nhà, tôi sẽ giới thiệu cái rương đựng của cải của người Chăm. Nó không chỉ là một vật dụng gia đình thông thường mà còn là một biểu tượng văn hóa phản ánh phong tục tập quán của người Chăm”. Anh Đạt Quang Phiêu (40 tuổi) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi ra Bảo tàng để sửa nhà Chăm. Tôi đã học được rất nhiều từ các bác lớn tuổi, như lợp mái, sửa sàn và làm vách nhà. Qua trải nghiệm này, tôi đã hiểu sâu hơn về kỹ thuật làm nhà truyền thống của người Chăm và lần sau chắc chắn tôi có thể đảm nhận công việc này. Tôi rất tự hào vì được đóng góp công sức để tạo nên diện mạo mới của ngôi nhà!”.
Ngôi nhà Chăm tại Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của tộc người mà còn là không gian kết nối và trao truyền văn hóa cho thế hệ mai sau.
Hãy đến với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam để khám phá diện mạo mới và nét đẹp văn hóa độc đáo của ngôi nhà Chăm!
Tin: Nguyễn Thị Phượng
Ảnh: Lê Nguyễn Phương Anh