Người Bru-Vân Kiều là một trong những tộc người cư trú lâu đời ở khu vực Trường Sơn, tập trung ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế. Họ sống dựa chủ yếu vào canh tác nương rẫy với lúa là cây trồng chính. Phương pháp trồng trọt là “phát, đốt, chọc, trỉa” (phát rừng, đốt cây đã khô, chọc lỗ, gieo hạt) với các nông cụ thô sơ như rìu, dao quắm, gậy chọc lỗ, giỏ đựng thóc giống...
![]() |
Giỏ đựng thóc giống của người Bru-Vân Kiều Sưu tầm năm 1996 tại thôn Tà Rùng, xã Húc, Hướng Hóa, Quảng Trị Cao: 18cm, ĐK: 18,5cm Mã: 1996.34.70 |
Giỏ đựng thóc giống (saro) là loại giỏ nhỏ, hình trụ, cao khoảng 18cm, được đan bằng nan cật của cây lùng (ralung) với kỹ thuật lóng mốt. Miệng giỏ tròn, được cạp và tết cầu kỳ bằng dây mây. Đế giỏ thấp, hình vuông với các cạnh là loại mây to được uốn võng vào phía trong. Người ta kết dây mây tạo thành hình tam giác cân ở bốn góc để vừa gắn chặt đế với thân giỏ, vừa tạo đồ án trang trí khá đẹp mắt. Quai đeo duy nhất được tết từ dây mây rồi luồn cố định vào khe giữa đế giỏ và đáy giỏ.
Giỏ đựng thóc giống là một trong những sản phẩm đan lát của nam giới Bru-Vân Kiều. Đôi khi, người ta dùng nó để đựng thuốc, trầu khi tiếp khách song chủ yếu phụ nữ Bru-Vân Kiều sử dụng loại giỏ này để đựng thóc giống khi gieo hạt trên nương. Họ quàng quai giỏ chéo qua vai, để giỏ ở tầm ngang hông sao cho vừa tầm tay lấy thóc giống tra vào các lỗ trên đất.
Chiếc giỏ này do ông Hồ Văn Đì (người Vân Kiều ở thôn Tà Rùng, xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đan năm 1992 rồi bán lại cho gia đình bà Hồ Thị Mun. Bà Mun đã mua và sử dụng đến ngày 31/7/1996 thì bán lại cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Hiện nay, chiếc gùi đang được lưu giữ tại kho bảo quản của Bảo tàng.
Người viết: Vũ Phương Nga
Ảnh: BTDTHVN