Ở Việt Nam, người Ê-đê cư trú tập trung ở tỉnh Đắk Lắk, một số ít sinh sống tại các địa bàn thuộc tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa… Họ theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ làm chủ gia đình. Trong những gia đình khá giả, chủ nhà thường sử dụng loại gùi có nắp (sơ-tiêng) để đựng của cải, tư trang như vải, y phục, đồ trang sức.
Gùi đựng đồ hình trụ tròn, thân loe dần lên miệng. Nắp gùi hình nón, phần chóp khum tròn. Đế gùi cao khoảng 20cm được uốn từ một thanh gỗ dẹt thành trụ vuông có 4 góc bo cong và cột chặt với thân gùi bằng dây mây. Nắp và thân gùi được đan 2 lớp bằng nan lồ ô: lớp trong sử dụng kỹ thuật lóng đôi nan chéo; lớp ngoài dùng nan to dẹt đan lóng mốt ở dưới, dùng nan chẻ nhỏ đan vặn nan kiểu lóng mốt và lóng 3 ở trên. Gùi được trang trí bằng cách kết hợp các nan nhuộm màu đỏ và nâu đen, tập trung ở nửa trên thân gùi và nắp gùi để tạo thành các đai hoa văn với mô típ quen thuộc tương tự hoa văn trên y phục của phụ nữ. Hai quai được đan bằng mây hoặc nan lồ ô, phần đầu gắn chặt vào miệng gùi, phần dưới được nối với nhau bằng một đoạn mây luồn qua đế.
Chiếc gùi này được bà H'rớt Êban ở buôn Săm, xã Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk sử dụng trong nhiều năm trước khi bán cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khi gia đình mua tủ đứng thay thế. Do kỹ thuật đan công phu nên chỉ những người đàn ông Ê-đê khéo léo mới đan được kiểu gùi này. Trước đây, gùi này được sử dụng phổ biến trong các gia đình giàu có. Ngày nay, nó trở thành một đồ vật hiếm trong xã hội Ê-đê.
Chiếc gùi hiện được lưu giữ tại kho bảo quản của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Người viết: Vũ Phương Nga
Ảnh: BTDTHVN