Lồng đựng gà xin dâu của người Pà Thẻn được làm từ tre đan kiểu mắt cáo, tạo hình tròn vững chắc, có quai xách bằng vải đỏ. Xung quanh lồng, người Pà Thẻn khéo léo quấn những dải vải đỏ đính kèm các tua len sặc sỡ cùng những đồng xu đính kết; vì vậy, nó được gọi là “lồng hoa” và có ý nghĩa trang trọng cho lễ cưới.
Trước ngày xin dâu, gia đình chú rể thường nhờ những phụ nữ khéo tay trong bản để trang trí lồng gà sao cho thật bắt mắt, công phu, tốn gần một ngày mới hoàn thiện. Các vật liệu trang trí chủ yếu là vải, sợi len và tơ với hàm ý rằng mong cô dâu khéo léo trong việc dệt vải và thêu thùa. Những đồng xu gắn trên lồng gửi gắm ước vọng về một cuộc sống sung túc, đầy đủ cho đôi vợ chồng trẻ.
Màu đỏ, màu chủ đạo trên lồng gà, là biểu tượng cho sự may mắn theo quan niệm của người Pà Thẻn. Lồng gà chứa 8 con gà trống thiến - lễ vật quan trọng trong nghi thức xin dâu, được nhà trai mang đến nhà gái trong lễ cưới. Thầy cúng là người đại diện cho gia đình chú rể đặt lồng gà lễ cạnh bàn thờ và thưa chuyện với nhà gái, với mong muốn đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc bền lâu, tình cảm họ hàng hai bên ngày càng gắn bó. Sau nghi thức cúng tổ tiên, nhà gái dành 2 con gà để làm quà cho nhà trai mang về, rồi làm thịt số gà còn lại để thết đãi họ hàng. Hiện nay, lồng đựng gà xin dâu vẫn là một phần truyền thống không thể thiếu, được gìn giữ như một giá trị văn hóa trong mỗi đám cưới của người Pà Thẻn.
Lồng đựng gà xin dâu của người Pà Thẻn được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sưu tầm tại thôn Mí Bắc, xã Tân Trịnh, huyện Bắc Quang (nay là huyện Quang Bình), tỉnh Hà Giang và đang được trưng bày tại khu vực nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao ở tầng 2, tòa nhà Trống đồng.
Người viết: Võ Thị Mai Phương
Ảnh: BTDTHVN