Người Dao Đỏ sinh sống chủ yếu ở miền núi phía Bắc. Đây là một trong những tộc người có bộ trang phục đặc sắc, trong đó có mũ đội đầu của trẻ em, thể hiện bản sắc văn hóa tộc người rõ nét. Giới tính của đứa trẻ Dao Đỏ cũng được phân biệt qua cách trang trí mũ nên mũ của bé gái và bé trai không giống nhau. Trong đó, mũ đội đầu của bé gái mang một ý nghĩa đặc biệt: ngoài là điểm nhấn của bộ trang phục trẻ em gái, nó còn thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của cộng đồng người Dao Đỏ dành cho thế hệ tương lai.
![]() |
Mũ bé gái Mã: 99.4.2 |
Mũ bé gái được làm bằng vải sợi bông nhuộm chàm, cắt may thành múi vải trên đó thêu nhiều hoa văn hình hoa (tầm xồng), thần sấm (bọ ông), đính thêm những hạt ý dĩ màu trắng ghép lại thành hình hoa, các hạt cườm bằng bạc được ghép thành hình quả núi. Chóp mũ đính các vật được tin là kỵ ma như đồng tiền xu, quả chuông bạc, túi hạt thảo quả, lá gianh, chùm tua sợi màu đỏ. Hình dáng mũ thường có dạng tròn, ôm sát đầu và có quai mũ bằng hạt cườm.
Khi mới sinh, bé gái thường được các bà tặng những chiếc mũ xinh xắn, sặc sỡ với mong muốn đứa trẻ sẽ khỏe mạnh, nhanh lớn. Theo quan niệm dân gian, mũ trẻ em vừa có chức năng bảo vệ đầu, chống lạnh, chống lại các tác động vật lý, vừa có tác dụng phòng trừ tà ma.
Hiện nay, mũ đội đầu vẫn đang được các bé gái Dao Đỏ sử dụng phổ biến. Mũ bé gái Dao Đỏ hiện đang lưu giữ tại kho bảo quản của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Mũ này được dùng cho bé gái khoảng 4 - 5 tuổi và được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sưu tầm năm 1999 tại xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Người viết: Võ Thị Mai Phương
Ảnh: BTDTHVN