![]() |
![]() |
Ở Việt Nam, người Khơ-me sống chủ yếu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hầu hết người Khơ-me là tín đồ Phật giáo Nam Tông nên con trai khi lớn lên, trước khi lập gia đình, thường vào chùa tu tập, học chữ Khơ-me trong một thời gian nhất định.
Sách lá buông là loại tài liệu cổ của người Khơ-me, được lưu giữ chủ yếu tại các ngôi chùa. Sách được làm từ lá cây buông – một loại cây họ dừa, bởi lá có đặc tính dai, bền, màu trắng sáng dễ viết chữ, ít phai mờ và mục. Người ta chọn và xử lý lá cẩn thận trước khi cắt thành các tấm dài khoảng 60cm, rộng 5cm. Trên mỗi tấm có thể khắc 5 dòng chữ.
Kỹ thuật khắc chữ trên lá phức tạp và kỳ công. Người ta đặt lá lên giá đỡ, dùng bút có đầu như lưỡi kim để khắc chữ trên lá, sau đó dùng mực quét lên, đợi mực thấm vào các rãnh khắc thì dùng vải lau sạch những chỗ không có chữ để chữ hiện lên rõ nét. Cuối cùng, họ thoa một lớp dầu mỏng trên cả hai mặt lá để tạo độ sáng bóng và tránh sự xâm hại của côn trùng, sau đó kết thành tập bằng cách xỏ dây buộc qua lỗ nhỏ đã xuyên ở vị trí khoảng 1/3 chiều dài lá.
Sách lá buông được coi là báu vật, chứa đựng nhiều tri thức có giá trị về lịch sử, văn hóa của người Khơ-me, đồng thời có giá trị lớn về mặt kỹ thuật, mỹ thuật và nghệ thuật. Sách lá buông ghi chép về kinh Phật, Phật thoại; giáo huấn ca; văn học dân gian; phong tục, hội hè… Vì lẽ đó, năm 2017, tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khơ-me (tỉnh An Giang) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sách lá buông hiện được trưng bày tại tầng 2 tòa nhà Trống đồng.
Người viết: Vũ Thị Thanh Tâm
Ảnh: BTDTHVN