Ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, người Hmông chiếm 90% dân số, bao gồm 4 nhóm: Hmông Trắng (Hmông Đơ), Hmông Đen (Hmông Đu), Hmông Đỏ (Hmông Si) và Hmông Hoa (Hmông Lềnh). Trong đó, người Hmông Hoa sống chủ yếu ở các xã La Pán Tẩn, Cao Phạ, Chế Tạo, Mồ Dề, Nậm Có, Dế Xu Phình, Kim Nọi, Púng Luông và thị trấn Mù Cang Chải.
Phụ nữ Hmông Hoa ở Mù Cang Chải nổi bật với trang phục có màu sắc rực rỡ, đặc biệt là chiếc chân váy truyền thống xếp nếp (taz) được làm từ vải lanh nhuộm chàm. Váy được ghép từ nhiều mảnh khác nhau, gồm: Cạp váy (đouz taz) cao khoảng 3cm và thân trên (sư taz) cao 10-15cm đều giữ nguyên nền màu chàm, không trang trí; thân giữa (nthu taz) cao khoảng 27-30cm, được trang trí bằng hoa văn in sáp ong (mô típ thường thấy là các chấm tròn xen kẽ với đường thẳng hoặc hình xoắn ốc xen lẫn hình hoa lá); thân dưới (tangz taz) cao khoảng 15-20cm, được trang trí bởi hoa văn thêu (chủ yếu là các đường kỷ hà, vết chân trâu, chó nằm ngủ...) và hoa văn ghép vải (là các đường sọc dọc, hình chữ nhật, hình tam giác); và chân váy (tơư taz) cao khoảng 5-9cm, là vải nhuộm chàm hoặc đỏ. Váy do bà Sồng Thị Dinh, người Hmông ở xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái làm năm 1995 và được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sưu tầm năm 2000.
Hiện nay, trong sinh hoạt hàng ngày, phụ nữ Hmông Hoa ở Mù Cang Chải thường mặc váy được làm bằng vải sản xuất công nghiệp bán sẵn ở chợ. Vào các dịp hội hè, lễ tết, cưới xin, họ vẫn mặc bộ trang phục truyền thống bằng vải lanh. Đặc biệt, theo quan niệm của người Hmông, cây lanh là vật trung gian nối giữa hai thế giới của người sống và người chết, giữa con người với thế giới thần linh. Vì vậy, khi chết, họ cũng mặc váy bằng vải lanh; nếu không, người phụ nữ đó sẽ không được coi là người Hmông và không về được với thế giới tổ tiên của mình.
Người viết: Võ Thị Mai Phương
Ảnh: BTDTHVN