Kháng là một trong 21 dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ-me (ngữ hệ Nam Á) ở Việt Nam. Người Kháng sống chủ yếu ở vùng núi giữa đến vùng cao thuộc các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, với dân số hơn 13.800 người (2009). Nếp sống của họ đã có sự hoà nhập đáng kể với văn hóa Thái, tuy vậy người Kháng vẫn lưu giữ được nhiều nét đặc trưng.
Người Kháng giỏi đan lát, làm và sử dụng thuyền độc mộc, thuyền đuôi én để đánh cá và vận chuyển trên sông suối. Đặc biệt, xưa kia họ được biết đến như một cư dân có tục tu mui, uống nước cay qua mũi.
Trong trưng bày thường xuyên ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người Kháng, giỏ đựng cá, giỏ đựng xôi, vỏ bầu..., được giới thiệu cùng với hiện vật của các dân tộc khác trong không gian "Môn – Khơ-me miền Bắc" ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng".