Dân tộc La Chí, có tên tự gọi là Cù Tê, là một trong bốn dân tộc nói ngôn ngữ Kađai thuộc ngữ hệ Thái - Kađai ở Việt Nam. Họ cư trú lâu đời tại vùng núi phía Bắc, chủ yếu tại một số xã thuộc các huyện Xín Mần và Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), một số ít tại huyện Mường Khương và Bắc Hà (tỉnh Lào Cai). Hiện nay, người La Chí trẻ ở một số địa phương đã quên tiếng mẹ đẻ và chỉ biết nói tiếng Nùng, Dao do địa bàn cư trú của họ đan xen với các dân tộc Tày, Nùng, Dao.
Theo kết quả điều tra dân số năm 2019, dân tộc La Chí có 15.126 người. Họ định cư thành từng bản; mỗi bản có từ 10-15 nóc nhà; không gian sinh sống của mỗi gia đình gồm nhà ở và kho thóc. Nhà ở gồm hai phần có mái lồng vào nhau, phần nhà sàn gồm ba gian để ở, phần nhà trệt làm bếp. Kiểu kiến trúc nửa sàn nửa trệt là một sáng tạo văn hóa độc đáo của người La Chí.
Trồng trọt là sinh kế chủ yếu và lúa là cây trồng chính của người La Chí. Họ trồng cả lúa nếp và lúa tẻ, kết hợp cả ba loại công cụ sản xuất cho từng loại hình canh tác: gậy chọc lỗ trên nương đất, cuốc trên nương đá (thổ canh hốc đá) và cày trên các diện tích ruộng bậc thang. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, cây chè đã trở thành hàng hóa có giá trị của người La Chí. Ngoài trồng trọt, họ còn chăn nuôi gia súc (trâu, ngựa, dê), gia cầm (lợn, gà, vịt) vừa lấy sức kéo, vừa làm vật cúng tế trong các nghi lễ; đặc biệt, nuôi cá ruộng - hoạt động kinh tế mới - ngày càng trở nên phổ biến. Trước đây, phụ nữ La Chí tự dệt may trang phục, song đến nay nghề dệt đã mai một dần. Trong khi đó, đan lát với sản phẩm là các loại đồ dùng trong gia đình vẫn còn khá phổ biến. Đàn ông La Chí còn đặc biệt đan những đôi hòm bằng tre vuông vức được trang trí hoa văn rất đẹp dành riêng cho cô dâu đựng tư trang khi về nhà chồng. Đôi hòm tre trở thành biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi bởi hai vợ chồng sẽ dùng chúng đến cuối đời.
Gia đình của người La Chí là gia đình phụ quyền, con cái lấy họ bố. Mọi công việc trong nhà, từ sản xuất đến quan hệ giao thiệp với làng xóm đều đặt dưới sự quản lý của người bố hoặc người con trai cả nếu người bố đã già yếu. Mỗi dòng họ của người La Chí đều có trống và chiêng riêng để dùng vào việc cúng bái; mỗi họ đều có người chăm lo việc cúng. Người La Chí thờ cúng tổ tiên vào các dịp lễ, Tết. Trong một nhà có nhiều bàn thờ cho mỗi người đàn ông đã có vợ, được dựng theo thứ tự: bố, con trai út, các con trai thứ, trong cùng là con trai cả.
![]() |
Phụ nữ La Chí trong trang phục truyền thống địu con trai đội chiếc mũ trẻ em kiểu truyền thống (Hoàng Su Phì, Hà Giang, 2011) |
Trước kia, phụ nữ La Chí mặc áo dài tứ thân xẻ giữa, yếm thêu, thắt lưng vải, mang khăn đội đầu dài gần 3m, mặc quần hoặc váy tùy người, đeo vòng tay, hoa tai và xà tích làm trang sức. Đàn ông La Chí mặc áo năm thân dài đến ngang bắp chân, cài khuy bên nách phải, quần lá tọa, đội khăn cuốn hoặc khăn xếp, đeo túi vải chàm có viền đỏ xung quanh để đựng thuốc và đồ lặt vặt. Tuy nhiên, trang phục truyền thống của dân tộc La Chí hiện đã bị mai một nhiều, người dân thường mặc quần áo giống người Kinh để tiện cho sinh hoạt hằng ngày.
Người La Chí có nhiều truyện cổ kể về tổ tiên của dân tộc là Hoàng Vần Thùng; Pủ Lô Tô sinh ra các giống loài và dạy họ phong tục tập quán; sự xuất hiện các hiện tượng tự nhiên... Vào tháng Bảy âm lịch hằng năm, khi việc cày cấy đã xong, người La Chí ăn Tết Khu Cù Tê. Vào các dịp lễ hội, trai gái thường hát đối đáp, chơi đàn tính ba dây, đàn môi và một số trò chơi dân gian như: ném còn, đánh quay, chơi đu.
Tại khu trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của dân tộc La Chí được giới thiệu trong trưng bày về các dân tộc thuộc ngôn ngữ Kađai ở tầng 2 của tòa Trống đồng. Các thông tin về hiện vật và bài viết đều được thể hiện bằng ba ngôn ngữ: Việt, Pháp và Anh.
Người viết: Vũ Phương Nga