Image
Loading

Ở Việt Nam năm 2009 có hơn 61.500 người Cơtu. Họ cư trú từ lâu đời ở miền núi Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế, nối liền với địa bàn phân bố của khoảng 30.000 người Cơtu ở Sekong (Lào). Người Cơtu, người Taôi và người Bru -Vân Kiều gần gũi nhau về văn hoá. Tiếng nói của họ cùng thuộc phân nhóm Katuic trong nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme (ngữ hệ Nam Á).

Người Cơtu làm rẫy theo lối chặt phát cây cối rồi đốt để khai hoang đất, khi gieo trồng thì chọc lỗ - tra hạt, thu hoạch lúa bằng cách dùng tay tuốt từng bông. Làng truyền thống Cơtu có tính phòng thủ, với vòng rào ngăn cách với bên ngoài, những ngôi nhà sàn của các gia đình dựng thành một vòng xung quanh ngôi nhà gươl (nhà của cộng đồng) cao lớn nhất và đẹp nhất. Tương tự nhà rông ở bắc Tây Nguyên, nhà gươl thời xưa là "nhà đàn ông", phụ nữ chỉ lên đó vào một số dịp đặc biệt. Nhà gươl và nhà mồ  là những tác phẩm kiến trúc thể hiện tập trung nghệ thuật điêu khắc Cơtu.

Tương tự ở các tộc người bản địa khác ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, đàn ông Cơtu xưa đóng khố, ở trần; phụ nữ quấn váy, mặc áo chui đầu và không có ống tay; nam, nữ đều dùng tấm chăn vải để choàng khi trời lạnh. Trên nền vải màu đen hoặc xanh chàm, hoa văn trang trí được dệt bằng sợi màu, hạt cườm trắng, hoặc hạt chì là loại giá trị nhất. Đồ trang sức gồm nhiều loại, trong đó các chuỗi hạt mã não được ưa thích đặc biệt.

Tập tục phụ hệ chi phối quan hệ dòng họ, gia đình và hôn nhân. Luật tục quy định sự khác biệt mang tính lễ thức giữa đôi bên thông gia, theo đó, những thứ nhà trai dành cho nhà gái là: động vật 4 chân, cơm hay gạo tẻ, rượu tàvạc hay trơđin (nguồn gốc từ cây rừng), chiêng, ché, bát, đĩa, vòng chuỗi cườm và mã não, gùi của nữ giới. Ngược lại, nhà gái dành cho nhà trai những con vật 2 chân và có cánh, thuỷ sản, động vật không chân, xôi hay gạo nếp, rượu cần, đồ vải, gùi nam giới.

Người Cơtu tin rằng có rất nhiều abhui và yàng (ma, thần linh), khiến họ phải thực hiện rất nhiều nghi lễ và kiêng cữ trong săn bắn, canh tác, làm nhà, chữa bệnh... Hiến sinh trâu là lễ cúng lớn nhất, dù của gia đình hay làng tổ chức nhưng luôn là lễ hội thể hiện tính cộng đồng. Xưa kia, trong trường hợp đặc biệt, người Cơtu còn dùng máu người để cúng, gắn liền với đó là tục "săn máu" đã chấm dứt hẳn từ nửa đầu thế kỷ 20.

Trong trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của Cơtu, vũ khí, y phục, nhạc cụ, giỏ tuốt lúa, vật dụng bằng vỏ bầu..., được giới thiệu theo các chủ đề cùng với hiện vật của những dân tộc khác, trong không gian "Môn – Khơme Trường Sơn – Tây Nguyên" ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng".