Image
Loading

Dân tộc Mnông ở Việt Nam có gần 103.000 người (2009), là một trong những cư dân bản địa ở nam Tây Nguyên. Hiện nay phần đông người Mnông cư trú tại hai tỉnh Đắc Nông và Đắc Lắc, một bộ phận ở Lâm Đồng và Bình Phước. Địa bàn phân bố của họ trải rộng sang cả Campuchia. Có nhiều nhóm Mnông: Gar, Nong, Preh, Prâng, Kuênh, Rơlăm, Buđâng... Tiếng Mnông thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme (ngữ hệ Nam Á). Giữa họ và các tộc người trong cùng nhóm ngôn ngữ ở Nam Tây Nguyên như Mạ, Cơho, Xtiêng và Chơro có quan hệ gần gũi rõ nét về ngôn ngữ và văn hóa.

Tương tự như các cư dân khác ở Tây Nguyên, nguồn sống chủ yếu của người Mnông là nông nghiệp nương rẫy. Riêng nhóm Rơlăm ở ven hồ Lắc từ lâu đã canh tác lúa nước theo lối dùng trâu giẫm ruộng thay vì cày bừa. Trước đây, dệt vải và đan lát rất phổ biến. Một số nơi có các gia đình làm đồ đất nung, ngoài ra mỗi làng thường có một vài lò rèn. Người Mnông trước kia nổi tiếng về săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, nhất là hai nhóm Preh, Buđâng vùng Buôn Đôn – Ea Súp. Ngày nay vẫn có những gia đình nuôi voi. Nhiều gia đình phát triển chăn nuôi trâu bò, trồng cây công nghiệp như hồ tiêu, cà phê, làm dịch vụ du lịch...

Nhà Mnông đặc sắc bởi kiểu mái trùm thấp xuống gần mặt đất và uốn khum tròn ở hai đầu hồi, cửa chính được làm vồng lên như kiểu cửa tò vò. Xưa kia, hình thức nhà dài của các đại gia đình mẫu hệ tồn tại phổ biến. Một số nhóm (Gar, Nong...) ở nhà trệt, một số nhóm khác (Buđâng, Kuênh...) ở nhà sàn; nhóm Rơlăm tiếp thu ảnh hưởng nhà sàn của người Êđê láng giềng.

Trong đời sống cổ truyền, nổi bật là những tập tục của xã hội mẫu hệ. Người phụ nữ có vị trí quan trọng trong gia đình và dòng họ, còn người "chủ đất" và "chủ làng" đóng vai trò quan trọng trong nếp tự quản của từng bon (buôn, làng).

Theo tín ngưỡng vạn vật hữu linh, người Mnông cho rằng họ bị chi phối bởi rất nhiều "thần thiện" và "thần ác": nữ thần mặt trời, thần sấm sét, thần suối sông, thần rừng núi, thần đất, thần lúa..., đặc biệt có thần voi Nguêc nguăl. Họ tổ chức nhiều lễ cúng trong cuộc sống nói chung và trong mỗi chu kỳ canh tác rẫy nói riêng, lớn nhất là lễ hiến sinh trâu.

Bên cạnh nhiều loại nhạc cụ làm bằng tre, nứa, vỏ bầu, sừng trâu..., cồng chiêng là một loại gia sản quý và âm nhạc cồng chiêng gắn bó sâu sắc với người Mnông. Ngoài ra, vùng người Mnông là nơi tìm thấy loại nhạc cụ đặc biệt và cổ xưa: đàn đá; bộ đàn đá đầu tiên được nhà dân tộc học Georges Condominas (người Pháp) phát hiện năm 1949 tại làng Sar Luk của người Mnông Gar. Trong các di sản văn hóa người Mnông còn lưu giữ được, sử thi (ot ndông) có vị trí riêng, không chỉ bởi sự đặc sắc của nó, mà còn bởi số lượng đã sưu tầm được vượt trội các nơi khác ở Việt Nam.  

Trong trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của Mnông, nhạc cụ, tẩu hút thuốc, đồ trang sức, đồ đan, vật dụng bằng vỏ bầu khô..., được giới thiệu trong không gian "Môn – Khơme Trường Sơn – Tây Nguyên", ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng".