Image
Loading

Xtiêng là một trong những cư dân bản địa miền đông Nam Bộ, cư trú ở cả Campuchia. Ở Việt Nam, họ có hơn 85.000 người (2009), gồm hai nhóm chính: Bù Lơ (ở vùng cao) và Bù Đek (ở vùng thấp). Phần đông họ sinh sống tại Bình Phước, một bộ phận ở Tây Ninh và Đồng Nai. Tiếng Xtiêng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme (ngữ hệ Nam Á).

Canh tác rẫy là hoạt động sản xuất chính của người Xtiêng. Các loại cây lương thực, cây thực phẩm, thuốc lá, bông... đều trồng trên rẫy. Từ khoảng 100 năm trước, ở một số nơi họ đã làm ruộng nước, với việc dùng cày, bừa có trâu kéo. Tuy vậy, với đa số người Xtiêng thì trâu vẫn chỉ là tài sản, dùng để trao đổi hàng hóa và để hiến sinh. Nghề rèn cũng từng phát triển, nhưng đã mai một từ lâu. Nam giới xưa kia giỏi săn bắn và thạo đan lát. Phụ nữ còn giữ được nghề dệt vải, nhưng nghề làm gốm đã bị lãng quên.

Tương tự như nhiều cư dân Tây Nguyên, nam giới Xtiêng xưa kia đóng khố, ở trần, nữ  mặc váy và áo chui đầu, khi trời lạnh thì khoác tấm mền vải. Họ đeo nhiều trang sức, phổ biến là các chuỗi hạt cườm đeo cổ, vòng đồng đeo tay và chân, có cả loại vòng xoắn dây đồng tạo thành hình ống dài, hoa tai quý nhất là loại làm bằng ngà voi, đường kính có thể tới 3-4 cm.

 Trong ngôi nhà dài truyền thống có nhiều gia đình, mỗi cặp vợ chồng cùng con cái có chỗ riêng được đánh dấu bằng một bếp lửa. Nhà sàn phổ biến ở vùng thấp, nhà trệt thường thấy ở vùng cao. Nhà của người Bù Lơ ở Phước Long (Bình Phước) đặc trưng bởi mái lợp cỏ tranh trùm xuống gấn sát đất và uốn khum ở hai đầu hồi.

Người Bù Đek còn bảo lưu yếu tố mẫu hệ khá rõ nét, trong khi ở người Bù Lơ, tính phụ hệ nổi bật hơn. Khi cưới vợ, đàn ông Bù Lơ phải nộp cho nhà gái nhiều của cải, cô dâu đến ở với gia đình chồng; còn lễ vật của đàn ông Bù Đek tuy ít hơn, nhưng chàng rể phải tới ở nhà vợ. Người ta thích cho con trai của chị/em gái lấy con gái của anh/em trai, người Bù Đek chấp nhận cả việc con gái của chị/em gái lấy con trai của anh/em trai.

Trong các lễ cúng, cùng với rượu cần còn phải có vật hiến sinh, thường là gà, lợn, lớn nhất là trâu. Những con vật màu trắng được cho là có giá trị hơn đối với "thần linh".

Người Xtiêng hay sử dụng bộ chiêng 6 chiếc, chỉ trong hiến sinh trâu mới được tấu bên ngoài nhà ở. Ngoài ra, họ còn có nhiều loại nhạc cụ khác, phần lớn được làm bằng tre nứa và vỏ bầu.

Trong trưng bày thường xuyên ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người Xtiêng: khố, gùi, giỏ tuốt lúa, vật dụng bằng vỏ bầu..., được giới thiệu cùng với hiện vật các dân tộc khác trong không gian "Môn – Khơme Trường Sơn – Tây Nguyên", ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng".