Image
Loading

Tập tục ăn trầu có từ lâu đời và phổ biến khắp Đông Nam Á. Một miếng trầu gồm ít nhất 3 thành phần: trầu, cau và vôi, thường nung từ vỏ sò, ốc, san hô. Tùy tập quán từng nơi, người ta có thể thêm một số thứ như thuốc lá, vỏ cây, đinh hương... Cách têm trầu phổ biến là quệt ít vôi lên lá trầu, đặt miếng cau vào rồi gói lại theo hình dáng mong muốn.

Bộ đồ ăn trầu thường có dao cau, bình vôi, hộp hoặc khay đựng trầu cau. Ở nhiều cư dân, có loại hộp hoặc khay to và đẹp, với chất liệu đồng, bạc hay sơn mài, có thể được chia thành các ngăn để đặt các hộp nhỏ đựng vôi, vỏ, thuốc lá... Dao cau có những kiểu dáng cầu kỳ, hình ngựa, gà hoặc chim. Bình vôi cũng đa dạng: hình chim ở Campuchia, hình tháp Phật giáo ở Thái Lan... Người già răng yếu thường dùng chiếc cối con để nghiền trầu cau.

Theo truyền thống, trầu cau dùng để mời khách, dùng trong đám cưới, đám ma và nhiều nghi lễ. Trầu cau còn được dùng làm thuốc chữa bệnh. Ngày nay, tuy không còn nhiều người ăn trầu, nhưng trầu cau vẫn là một yếu tố văn hóa bản địa quan trọng ở Đông Nam Á.